Mai Anh
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nâng cao nhận thức và hiểu biết về phòng cháy và chữa cháy góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra. Vừa qua Petajico Hà Nội đã phối hợp với Tạp chí phòng cháy và chữa cháy - Bộ Công an tổ chức chương trình tuyên truyền kiến thức phòng cháy chữa cháy với chủ đề “ An toàn PCCC tại công sở và trong gia đình”.
Tới tham dự chương trình tuyên truyền kiến thức về phòng cháy chữa cháy có Thạc Sỹ, Giảng viên Trường Đại học cảnh sát PCCC Phạm Văn Nhất; Thạc Sỹ, Cán bộ tuyên truyền tạp chí phòng cháy và chữa cháy Bộ công an Đoàn Ngọc Long; các đồng chí lãnh đạo và trên 150 cán bộ, người lao động Petajico Hà Nội.Nội dung tuyên truyền gồm:
Những vấn đề cơ bản của công tác PCCC;
Những nội dung cơ bản về kiến thức pháp luật PCCC và kiến thức PCCC phổ thông;
An toàn PCCC tại công sở và trong gia đình;
Các kỹ năng thoát hiểm tại các khu nhà, công sở cao tầng;
Các kỹ năng sử dụng thiết bị phương tiện chữa cháy;
Các kiến thức để dập một đám cháy…
Nguyên nhân gây cháy nổ có tới 60% là do điện; 40% là do Gas, xăng dầu, đốt vàng mã…
Thông qua chương trình giúp cán bộ, người lao động Petajico Hà Nội nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC; nâng cao kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm cơ bản, kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Phòng cháy chữa cháy có nghĩa là ngăn ngừa triệt tiêu tất cả các nguyên nhân có thể xảy ra cháy. Nên phòng cháy để không phải chữa cháy và chịu tổn thất. Mỗi cá nhân làm tốt công tác PCCC là góp phần gìn giữ sự an toàn trong cuộc sống.
Một số kỹ năng giúp bạn khi gặp sự cố:
Những điều bạn nên tránh khi ở trong một đám cháy:
- Không chạy vào cầu thang máy (vì sẽ bị kẹt do mất điện)
- Không chạy vào nhà vệ sinh trú ẩn (vì sẽ bị chết ngạt)
- Không nhẩy xuống đất từ trên tầng cao (vì sẽ bị chấn thương nặng hoặc chết ngay tại chỗ)
- Không chạy lên tầng quá cao…
Những điều bạn không được làm khi phát hiện thấy mùi gas:
- Bật các thiết bị điện
- Nghe gọi điện thoại
- Bật lửa, diêm
- Gây va chạm ma sát giữa các vật có thể phát ra tia lửa
- Sử dụng vợt muỗi…
Những điều bạn nên làm khi ở trong một đám cháy tại tầng một hoặc tầng trệt:
Bạn hãy trùm một mảnh vải khô hoặc ướt lên người (ưu tiên phần đầu) rồi bò sát mặt đất, men theo tường hướng ra cửa để thoát ra ngoài.Những điều bạn nên làm khi ở trong một đám cháy tại khu nhà cao tầng:
- Nếu đám cháy ở phía tầng trên còn bạn ở tầng dưới thì ngay lập tức bạn tìm cánh cửa thoát hiểm (Tiếng Anh ghi là EXIT) và chạy xuống đất.
- Nếu đám cháy ở tầng dưới và bạn ở tầng trên thì bạn chạy lên tầng trên cách đám cháy 2 tầng vào một căn phòng và đóng cửa phòng, lấy quần áo chăn màn…chèn các khe cửa lại, dấp ướt một cái chăn, khăn tắm, khăn trải bàn…chùm lên đầu; Khi có tiếng còi cứu hỏa thì mở cửa ban công kêu cứu (Dùng các vật dụng như giấy màu, giẻ, quần áo… để vẫy và kêu cứu)
- Nếu bạn đang ở tầng cao nhất thì bạn lấy vải (quần áo, chăn màn, khăn tắm, giẻ khô hoặc ướt…) băng vào mặt và quấn quanh người rồi chạy băng qua đám cháy để tới cửa thoát hiểm xuống đất.
Trường hợp vải có ít thì bạn ưu tiên băng mắt và mũi
Trường hợp khi thoát ra ngoài mà lửa bắt cháy trên người thì bạn hãy lăn vòng tròn xuống đất.
Những điều bạn nên làm khi phát hiện rò rỉ khí Gas:
Khi thấy mùi Gas trong phòng thì bạn nhẹ nhàng khóa chặt van bình gas, nhẹ nhàng mở các cửa ra, nhẹ nhàng dùng quạt nan để quạt bớt khí gas ra khỏi phòng, ra khỏi phòng thật xa rồi liên lạc với cửa hàng gas để nhân viên đến kiểm tra tình trạng van, dây dẫn, bếp gas xác định nguyên nhân rò rỉ để thay thế.
Hãy trang bị ít nhất một bình cứu hỏa MFZ4 trong nhà; dành vài phút để hướng dẫn người thân của mình các kiến thức PCCC .
Và khi đến một khu nhà cao tầng bạn hãy để ý xem cánh cửa thoát hiểm (EXIT) ở chỗ nào nhé. Chúc các bạn luôn an toàn./.